Khó có thể nói làm công tác chủ
nhiệm cấp học nào sẽ thoải mái hơn vì mỗi cấp học
tương ứng với một độ tuổi học sinh với nhiều nét tâm sinh lí đặc trưng riêng.
Các cháu tiểu học dễ dạy, dễ uốn nắn nhưng cũng mệt nhoài người vì sự non nớt,
bé bỏng và lắm chuyện “trẻ con”. Học sinh trung học lại là lứa tuổi vị thành
niên nhạy cảm với các biến động phức tạp về thể chất, nhận thức, tính cách.
Trong khi các giáo
viên bộ môn chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ dạy học thì phần lớn trách nhiệm
giáo dục lại đổ lên vai người giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Làm chủ nhiệm lớp
đồng nghĩa với một ông bà “bảo mẫu” cho tất tần tật mọi vấn đề phát sinh của
lớp từ chuyện học, chuyện chơi, chuyện giao tiếp, ứng xử, chuyện vi phạm nội
qui đến cả vấn đề đạo đức, nhân cách của trẻ trong các hoạt động bên ngoài nhà
trường.
Chất lượng hai mặt của
lớp đảm bảo là chuyện bình thường, nhưng nếu không đạt chỉ tiêu là ngay lập tức
phải giải trình với nhà trường nguyên nhân, giải pháp. Tham gia phong trào hoạt
động là nghĩa vụ bắt buộc mà chẳng may gặp một lớp học trì trệ luôn đứng sau
các cuộc đua thì người chủ nhiệm lớp liền bị đánh giá không có năng lực.
Khi một học sinh vi
phạm nội qui trong giờ học, không ít GVCN là người đầu tiên phải lắng nghe các
giáo viên bộ môn trút nỗi bực dọc. Khi một học sinh vi phạm nội qui nhà trường,
GVCN liền bị trách cứ, nhắc nhở. Khi một học sinh chẳng may vi phạm về an toàn
giao thông hay gây mất an ninh trật tự xã hội, GVCN bị liên đới trách nhiệm và
gánh lấy tai tiếng là tất nhiên.
Vấn đề giáo dục đạo
đức, hạnh kiểm cho học sinh đâu còn đơn giản như trước đây. Hồi trước, học sinh
không thuộc bài là nơm nớp lo sợ, bây giờ câu trả lời “Em không thuộc” thốt ra
thật dễ dàng và chẳng ngượng miệng tí nào. Bên cạnh đó là việc “cởi trói” tối
đa các hình thức xử phạt học sinh khiến giáo viên mất đi “sự ràng buộc” nhất
định để khép các em vào nề nếp, nội qui. Thử hỏi một học sinh cá biệt bây giờ
đang gánh các cách xử phạt nào? Chỉ là mời phụ huynh, dọa hạ hạnh kiểm và dọa
cả việc đuổi học. Tất cả đều chỉ “dọa” nên rất nhiều em lợi dụng sự dễ dãi ấy
để quậy phá, thách thức và kéo theo nhiều học sinh khác nhập cuộc.
GVCN ngày nay còn có
một nhiệm vụ nặng nề là làm nhà tư vấn tâm lí bắt đắc dĩ cho chính những cô cậu
học trò gặp trục trặc trong đời sống sinh hoạt và tình cảm. Phải nhanh nhạy
phát hiện mâu thuẫn trong một tập thể lớp, tinh tế nhận ra sự mơ màng của những
kẻ bắt đầu biết yêu, kịp thời nhăn chặn mầm bạo lực và làm trung tâm hòa giải
các xung đột. Các trách nhiệm lớn lao ấy đè lên vai người GVCN kéo theo muôn
vàn áp lực. Nhưng GVCN cũng chỉ là một con người bình thường, không phải thần
thánh để quán xuyến tất cả mọi suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Tuy
nhiên, khi có bạo lực hay một vụ đánh ghen ầm ĩ nào đó diễn ra, người ta lập
tức đặt ra câu hỏi: Vai trò của người GVCN lớp đâu rồi?
Đó là còn chưa kể GVCN
phải gánh một trọng trách lớn là bắc chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình.
Học sinh vắng học, lo gọi về cho gia đình. Học sinh bỏ học, lo đi vận động. Học
sinh chưa ngoan, lo mời phụ huynh làm việc… Làm việc với phụ huynh đâu phải
chuyện dễ dàng. Phải ứng xử phù hợp với từng vị phụ huynh. Vạn dụng tất cả các
phương châm “Mềm nắn rắn buông”, “Tùy cơ ứng biến”... lắm lúc vẫn chưa làm
thuyết phục được những vị phụ huynh khó tính. Và thỉnh thoảng gặp một phụ huynh
không hiểu chuyện là y như rằng chính giáo viên là người phải nghe “giảng đạo”.
Thế đó, cùng là giáo
viên, cùng nhận mức lương giống nhau, cùng được định biên số tiết như nhau
nhưng chắc chắn là GVCN cực hơn GV bộ môn nhiều. Và những người đang phải gồng
gánh những trách nhiệm nặng nề ấy rất cần sự chung tay hỗ trợ của các ban ngành
đoàn thể trong và ngoài nhà trường cũng như sự đồng cảm, thấu hiểu của phụ
huynh và xã hội.
Theo Dân trí